Nuôi con bằng sữa mẹ có đúng hoàn toàn?
Gần tới ngày sinh con đầu lòng, Suzanne Barston quyết tâm làm mọi thứ tốt nhất cho con, trong đó có cả việc cho con bú. "Tôi thực sự muốn nuôi con bằng sữa mẹ," cô nói với tác giả bài viết này, hiện đang sống gần Chicago. "Tôi đã tham dự tất cả các loại khóa hướng dẫn cách cho con bú."
Thế nhưng mới chỉ vài ngày đầu đã phát sinh vấn đề: cậu con trai mới chào đời không thể bú mẹ, cho nên cô bắt đầu vắt sữa cho vào bình sữa cho con.
Việc này ngốn mất vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, khiến cô hầu như không còn thời gian chăm sóc bản thân. Sau vài tuần liên tục vắt sữa rồi cho con ăn, cô kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến chứng trầm cảm sau khi sinh con trở nên trầm trọng hơn.
Cậu con trai bé bỏng cũng không khỏe mạnh gì. Bé bị mẩn đỏ và thường đi ngoài ra máu. Bác sỹ nói bé bị dị ứng với thứ gì đó trong đồ ăn của mẹ, vốn được truyền sang sữa, và khuyên hai mẹ con hãy dùng thử loại sữa công thức có chất chống dị ứng.
Chỉ sau hai ngày, các triệu chứng ở bé biến mất, và với việc uống sữa công thức, bé đã hồi phục hoàn toàn. Có vẻ như một kết cục tốt lành, nhưng nhìn lại những gì đã xảy ra, Barston giận dữ về những áp lực to lớn mà cô đã phải chịu trong chuyện nuôi con bằng sữa mẹ, điều mà nay cô thấy là "Không phải là quá quan trọng".
Nuôi con bằng sữa mẹ không phải là điều quá quan trọng? Nghe thật là 'tà giáo'.
"Sữa mẹ là tốt nhất' - lời khuyên từ Tổ chức Y tế Thế giới, Unicef và rất nhiều các cơ quan y tế có uy tín khác luôn là trẻ cần phải được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong thời gian sáu tháng đầu đời, bởi điều đó có lợi cho cả mẹ lẫn con. Lợi ích được cho là lớn tới mức các bà mẹ thậm chí nay còn được khuyến khích cho con bú cho tới tận khi con chập chững biết đi, hoặc lớn hơn nữa.
Thế nhưng ý kiến cho rằng các bà mẹ cần nuôi con bằng sữa mẹ bằng mọi giá nay đang bị một số các nhóm vận động, tuy nhỏ nhưng lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ, trong đó có các phụ huynh như Barston, và thậm chí cả một số bác sỹ, các nhà nghiên cứu.
Họ nói rằng nếu như một bà mẹ phải vật lộn với việc cho con bú thì áp lực kiên trì theo đuổi điều này sẽ khiến người mẹ căng thẳng không thể chịu nổi. Hơn nữa, một số bà mẹ về mặt thể chất là không có đủ sữa cho con bú và nếu không phát hiện ra thì em bé rất có thể sẽ bị mất nước, và có trường hợp còn dẫn tới việc gây tác hại cho não.
Điều đáng quan ngại nhất, những người này nói, không phải là chuyện liệu đứa trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa công thức, mà là liệu bé có được cung cấp đủ dinh dưỡng hay không. Nói cách khác, thì "cho ăn đủ là tốt nhất".
"Mọi người nói rất nhiều về những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ - tốt thôi, nhưng hãy nói cả về những rủi ro nữa, và hãy để cho các bà mẹ tự đưa ra quyết định," Amy Tuteur, một cựu bác sỹ sản khoa ở Mỹ, nói.
Vậy thực sự thì các bằng chứng mà chúng ta đã có cho đến nay nói lên điều gì?
Cách nhìn nhận ngày nay về việc nuôi con bằng sữa mẹ khác rất xa so với quan điểm ngày trước.
Trong nửa đầu Thế kỷ 20, việc sử dụng sữa công thức phát triển mạn, các hãng bắt đầu quảng cáo về những sản phẩm của mình là siêu việt hơn sữa mẹ. Các nhân viên y tế thường không khuyến khích các bà mẹ trong việc cho con bú, và coi đó là cách làm cổ hủ hoặc của người ở tầng lớp thấp kém trong xã hội.
Điều đó có lẽ là gây sốc cho chúng ta ngày nay, khi mà ta đã biết là sữa mẹ có chứa vô số các thành phần dưỡng chất quan trọng, chẳng hạn như chất kháng khuẩn. Bản thân các thành phần dinh dưỡng trong mỗi lần tiết ra từ bầu vú mẹ cũng thay đổi, đáp ứng với nhu cầu của con. Ngay cả những lần bú đầu tiên với những giọt trong veo như nước từ bầu vú mẹ cũng có tác dụng giúp cho bé khỏi khát.
Ở các nước đang phát triển còn có một mối quan ngại khác nữa. Sữa công thức thường được bán ở dạng bột để khi dùng thì đem pha với nước. Thế nhưng người nghèo có thể không có nước sạch, hoặc không có nhiên liệu để đun sôi nước pha sữa.
Từ thời thập niên 1970 trở đi, cơn giận dữ đối với việc quảng cáo sữa công thức tại các nước đang phát triển tăng lên, khiến một số người tẩy chay các hãng sản xuất sữa công thức như Nestle. Nay, nhiều quốc gia đã cấm các quảng cáo đó, và do mối quan tâm trong xã hội tăng đối với những lợi ích mà việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại, cho nên các nhân viên y tế đang ngày càng khuyến khích các bà mẹ thực hiện điều này.
Chẳng hạn như Barston cảm thấy cô đã bị phán xét gay gắt về việc không cho con bú mẹ, dẫu cho cô gặp khó khăn khi cố làm việc đó. Cô đã ra một trang blog để ủng hộ các bà mẹ khác có hoàn cảnh tương tự, trang "Fearless Formula Feeder" (Người không sợ việc nuôi con bằng sữa công thức) và cô ước tính có hơn nửa số người vào bình luận ở trang này cũng đã từng trải qua triệu chứng trầm cảm sau khi sinh con do bị áp lực trong chuyện phải nuôi con bằng sữa mẹ.
Tất nhiên, có những bà mẹ rất hạnh phúc với việc cho con bú. Nhưng có những người thấy việc này làm tăng quá mức các áp lực khó khăn khác cho người mẹ - như thiếu thời gian cho bản thân, thiếu thời gian ngủ. Về lý thuyết, người cha có thể giúp cho con bú sữa mẹ đã được vắt ra sẵn, nhưng không phải người mẹ nào cũng có thể vắt sữa ra được, và có những bé dứt khoát không chịu bú bình, cho nên việc cho con bú hoàn toàn trông chờ vào người mẹ.
"Có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc kiệt sức dẫn tới tình trạng suy sụp về tinh thần," Barston nói. "Tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện khủng khiếp. Một số người mẹ đã gần như muốn tự vẫn."
Bên cạnh một số người gặp khó khăn về mặt tâm lý, còn có một số bà mẹ không có đủ sữa cho con bú dù cố gắng cách nào đi chăng nữa. Phụ nữ được nói rằng nhìn chung thì đây là điều hiếm xảy ra. Nhưng cứ bảy bà mẹ thì có một người không có đủ sữa cho con, theo một nghiên cứu của Marianne Neifert từ Bệnh viện St Lukes tại Denver, Colorado.
Không kể tới những người không đủ sữa cho con bú, thì hầu hết các bà mẹ đều cần tới vài ngày sau khi sinh con mới bắt đầu xuống sữa nhiều. Trong thời gian đó thì một số bé đã bắt đầu rơi vào tình trạng mất nước hoặc bị vàng da, tác dụng phụ của việc không được cho ăn đủ sữa, và sẽ cần phải điều trị trong bệnh viện.
Sasha Howard, bác sỹ nhi tại bệnh viện Barts Health ở London đã chứng kiến nhiều trường hợp bị mất nước do chỉ được cho bú bằng sữa mẹ. "Một số bé cần cho bú bình với sữa công thức hoặc với ống xông nasogastric. Một số bé bị yếu tới mức cần phải truyền tĩnh mạch." Trong một số trường hợp hiếm gặp, tình trạng mất nước thậm chí còn gây hại cho não và dẫn tới tử vong.
Mười năm về trước, nếu việc cho con bú diễn ra không thuận lợi thì các nhân viên y tế nhiều khả năng sẽ can thiệp sớm bằng cách khuyên cho con bú bình. Nhưng các hướng dẫn y tế ngày nay tại nhiều nước không đề xuất giải pháp đó, nhất là tại các bệnh viện tuân thủ chỉ dẫn của Unicef, nhân viên y tế sẽ khuyến khích việc cố gắng cho bú mẹ.
Ngày nay, các khu vực chăm sóc phụ sản sau sinh tuân theo chỉ dẫn trên sẽ cất biến các loại sữa công thức trong tủ kín, và chỉ cho dùng nếu có đơn thuốc của bác sỹ.
"Đây không phải là việc quấy rối các bà mẹ hay việc khiến cho họ cảm thấy tội lỗi," Trish MacEnroe, giám đốc điều hành của quỹ Baby-Friendly USA nói.
Bà chỉ ra rằng các bệnh viện đã từng đem trẻ sơ sinh đi vài phút ngay sau khi bé vừa chào đời và cho các bé bú bình, bất chấp việc các bà mẹ có muốn hay không. Mục tiêu của họ bây giờ là nhằm chấm dứt cách làm đó. "Điều đầu tiên và quan trọng nhất của sáng kiến này là nhằm thay đổi thói quen vốn có từ lâu nay, điều làm hỏng việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn."
Nếu như người mẹ bắt đầu cho con dùng sữa công thức đều đặn thì đứa bé sẽ bú mẹ trong thời gian ngắn hơn, và điều đó sẽ khiến cơ thể người mẹ tiết ra ít sữa hơn, đồng nghĩa với việc em bé sẽ mất cơ hội được hưởng những lợi ích sức khỏe từ việc bú mẹ. Vô số các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ toàn phần giúp giảm bớt các nguy cơ nhiễm trùng, dị ứng ở trẻ, và khi lớn lên trẻ sẽ khỏe mạnh hơn, người mảnh mai hơn, thậm chí thông minh hơn.
Nhưng có hai vấn đề liên quan tới lập luận trên.
Thứ nhất là những rủi ro trong việc sữa công thức làm phương hại tới việc bú mẹ là điều chưa được chứng minh rõ ràng. Tất nhiên việc cơ thể mẹ sản xuất ra ít sữa hơn nếu như trẻ được cho ăn sữa công thức ở mức nhiều. Nhưng Howard cho rằng nếu chỉ là cho ăn một, hai lần một ngày thì không ảnh hưởng gì. Bà chỉ ra rằng có rất nhiều bà mẹ đã thành công trong việc nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp với sữa công thức trong nhiều tháng. "Với một số người thì việc kết hợp là phù hợp nhất."
Tiếp đến là có sự nghi ngờ về các lợi ích y tế mà việc nuôi con bằng sữa me đem lại - liệu có to lớn như người ta nói hay không. Đa số các cuộc nghiên cứu cho thấy những lợi ích này chỉ là thu được qua các thử nghiệm có tính ngẫu nhiên chứ không phải là những bằng chứng y khoa đáng tin cậy nhất.
Cách mà chúng ta thử nghiệm xem các loại thuốc mới có tác dụng hay không là lấy ngẫu nhiên nửa số người tham gia thử nghiệm và cho họ dùng loại thuốc mới, còn nửa kia được cho dùng các cách điều trị thông thường, hoặc cho dùng giả dược, rồi so sánh kết quả thu được từ hai nhóm.
Cách thử nghiệm như thế không thể thực hiện được trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, bởi không mấy bà mẹ chấp nhận việc bị kiểm soát đối với quyền lựa chọn cách nuôi con. Thay vào đó, chúng ta chỉ có thể quan sát cách họ cho con ăn, và đánh giá kết quả sau đó.
Các nghiên cứu dựa trên việc quan sát thực sự là có cho thấy sự tương quan giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và tình trạng khỏe mạnh hơn. Nhưng tương quan là thứ rất dễ đánh lừa. Chẳng hạn như việc có sở hữu đôi giày thể thao có thể cho thấy ai đó có sức khỏe tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là đôi giày thể thao khiến bạn khỏe mạnh, mà một yếu tố thứ ba, việc tập chạy, mới là điều quan trọng.
Với việc nuôi con bằng sữa mẹ, các yếu tố thứ ba có thể là mức thu nhập và trình độ học vấn. Ngày nay, việc nuôi con bằng sữa mẹ thường phổ biến hơn ở các gia đình có thu nhập cao, một phần bởi họ tuân thủ các chỉ dẫn y tế, và một phần bởi người mẹ có điều kiện để nghỉ thai sản dài hơn. Những người có điều kiện khá giả thường có sức khỏe tốt hơn vì những lý do không liên quan gì tới việc nuôi con bằng sữa mẹ, chẳng hạn như họ hút thuốc, uống rượu ít hơn. Cho nên cũng không ngạc nhiên gì khi các trẻ được nuôi bằng sữa mẹ toàn phần lúc lớn lên khỏe mạnh hơn.
Các khoa học gia tiến hành các nghiên cứu dựa trên việc quan sát có thể tinh chỉnh kết quả thu được để điều chỉnh phù hợp về mức độ ảnh hưởng của thu nhập và trình độ giáo dục, nhưng rất khó để thực hiện được đầy đủ việc này. Và các nghiên cứu tuân thủ điều này chặt chẽ nhất lại có xu hướng tìm thấy mức tác động của việc nuôi con bằng sữa mẹ toàn phần là ít nhất - ngay cả một phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới cũng thừa nhận như vậy.
Trong một nghiên cứu tại Mỹ theo đó so sánh kết quả của việc nuôi bằng sữa mẹ và bằng sữa công thức giữa các anh chị em trong cùng một gia đình cho thấy về mặt dài hạn thì các lợi ích y tế hầu như đều biến mất.
Không phải là mọi lợi ích đều là không có giá trị. Với các bé sinh non, nếu được cho bú mẹ thì các bé ít bị mắc các bệnh về đường ruột và một số bệnh nhiễm trùng hơn. Ở thế giới đang phát triển thì việc cho con bú mẹ giúp tránh khỏi tình trạng pha sữa công thức cho bé bằng thứ nước bị nhiễm bẩn.
Ngay cả ở phương Tây, việc giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng trong năm đầu đời của bé có vẻ như giúp ích cho việc học hành của trẻ về sau này; các bé được nuôi bằng sữa mẹ ít bị cảm cúm hay đi ngoài hơn, Nhưng các tác dụng tích cực này biến mất một khi việc bú mẹ dừng lại. "Nếu bạn tới bất kỳ một lớp mẫu giáo nào và hỏi giáo viên đoán xem trong số các cháu, cháu nào được nuôi bằng sữa mẹ, cháu nào được nuôi bằng sữa công thức, thì các giáo viên không thể đoán được," Barston nói.
Ta có thể lập luận rằng chúng ta biết rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ toàn phần đem lại một số lợi ích, và không hại gì nếu ta có phóng đại các lợi ích đó lên để giúp làm tăng nhận thức, khuyến khích nhiều người áp dụng cách nuôi con này. Thế nhưng đó lại là cách coi chị em phụ nữ như thể những đứa trẻ!
Và việc đưa ra thông tin không chính xác không thể là điều đúng đắn, khi mà người phụ nữ cần ra một quyết định phức tạp và mang tính cá nhân vào thời điểm có thể nói là rất căng thẳng trong đời. Những tờ rơi nhiều bất tận nói về ưu điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ được phân phát miễn phí, nhưng điều đó chỉ đúng khi người mẹ có điều kiện nghỉ đẻ trong thời gian dài. Ở Mỹ, phụ nữ chỉ nghỉ thai sản trung bình là 10 tuần và có gần một phần ba chọn không nghỉ chút nào.
Sự sùng bái hiện nay đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ có một số điểm hay. Các bà mẹ có thể trông chờ được vào sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia hơn tại các bệnh viện nếu họ gặp khó khăn trong việc cho con bú đúng cách. Xã hội nhận thức rõ ràng hơn về việc phụ nữ có quyền cho con bú nơi công cộng mà không phải đối diện với những cái nhìn thiếu thiện cảm.
Tất nhiên là không ai khuyến cáo việc rút lại sự ủng hộ đó. Các nhà vận động như Barston đơn giản là chỉ muốn các bà mẹ được quyền tự do lựa chọn theo ý riêng, dựa trên những thực tế đã biết và phù hợp với hoàn cảnh riêng mà không bị phán xét, dè bỉu. "Cần phải có cách hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ mà không cần phải biến sữa công thức thành ác quỷ," Barston nói. "Chúng ta vẫn chưa làm rõ được điều này."
Theo BBC Future.
Nhận xét
Đăng nhận xét